Biz-Ecosystem-Model của James F. Moore
Mô hình Hệ sinh thái Kinh doanh do Tiến sĩ James F. Moore phát triển

Bài viết này sẽ đưa chúng ta trở lại những điều cơ bản: hệ sinh thái kinh doanh (hay Business Ecosystem) là gì?

Hệ sinh thái kinh doanh có thể hiểu đơn giản là mạng lưới động của các tổ chức phụ thuộc lẫn nhau, dựa vào nhau để đạt được thành công.

Tư duy truyền thống hình dung các công ty là đối thủ, chiến đấu với nhau để giành quyền thống trị trên thị trường và lợi nhuận cao nhất. Các tổ chức ngày nay hoạt động trong một thế giới phức tạp hơn rất nhiều so với trước kia. Họ kết hợp cả sự cạnh tranh và hợp tác theo những cách rất sáng tạo, và đầy bất ngờ, và họ cần nhau để cùng tồn tại và phát triển.

James F. Moore, người đã đặt ra thuật ngữ này, giải thích rằng hệ sinh thái kinh doanh bao gồm những thứ mà chúng ta luôn coi đó là một phần của một tập đoàn: những thứ bên trong tổ chức cộng với các kênh phân phối và nhà cung cấp trực tiếp. Chúng cũng bao gồm các doanh nghiệp mở rộng như khách hàng trực tiếp, cơ quan tiêu chuẩn, nhà cung cấp sản phẩm bổ sung… Cuối cùng, nó bao gồm cả những người có thể có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh cốt lõi nhưng lại thường bị coi là những người đi sau hoặc những người ngoài cuộc khó chịu: hiệp hội thương mại, cơ quan quản lý, công đoàn, nhà đầu tư…

Tại sao hệ sinh thái kinh doanh lại cực kỳ quan trọng?

Vào năm 2006, Boston Globe Magazine đã đưa tin về một câu chuyện kịch tính về sự thất bại của hệ sinh thái. Câu chuyện tập trung vào một nhân viên kế toán ở Rhode Island, người đã biển thủ công quỹ tới 9 triệu đô la trong suốt sáu năm. Trước khi hành vi sai trái của cô gái này được phát hiện, một loạt các doanh nghiệp đã xuất hiện để tài trợ cho sự chi tiêu xa hoa của cô gái này.

Một người huấn luyện ngựa, xúc động trước sự thèm muốn của vị khách hàng mới này đối với tất cả những thứ liên quan đến cưỡi ngựa, đã cam kết dành toàn bộ thời gian cho các dự án của cô gái này. Một người làm vườn, đã từ chối khách hàng mới trong vòng liên tục ba tháng, chỉ để tạo ra thiết kế hoa cho một đám cưới xa hoa do kẻ tham ô, kẻ biển thủ này lên kế hoạch. Những chủ doanh nghiệp này và những người khác rất vui mừng khi tìm thấy một khách hàng nhiệt tình, chịu chi tiêu nhiều, cống hiến hết mình cho một thị trường mới: thị trường do chính nhân viên kế toán lừa đảo này tạo ra.

Nhưng không chóng thì chầy, hành vi tham ô lừa đảo này sau đó đã được phát hiện. Cô gái mất việc và vào tù. Tuy nhiên, hiệu ứng dây chuyền từ tội ác của cô gái ấy đã lan rộng khắp hệ sinh thái kinh tế và làm tổn thương hầu hết những ai lỡ dây vào cô ấy. Người huấn luyện ngựa buộc phải đóng cửa công việc kinh doanh của mình do thiếu khách hàng trầm trọng. Người làm vườn đã bị kiện vì anh ta nhận số tiền biển thủ từ cô gái ấy – dù đó là đồng tiền công anh xứng đáng được nhận. Công ty bị nhân viên kế toán biển thủ đã buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên và đóng cửa các địa điểm do mất kinh phí hoạt động. Chỉ một hành động của cá nhân nhưng đã gây ra ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người, khiến nhiều công ty phải đóng cửa.

May mắn thay, hầu hết các tổ chức hiện không trải qua những tình huống quá khắc nghiệt như vậy. Tuy nhiên, tất cả các công ty đều là một phần của hệ sinh thái kinh doanh phức tạp, có khả năng phát triển mạnh hoặc sụp đổ chỉ trong phút chốc. Hiểu hệ sinh thái kinh doanh, và chữa khỏi chứng “mù hệ sinh thái” chắc chắn sẽ giúp bạn và tổ chức của bạn phát triển đáng kể.

Vậy hãy kiểm tra lại xem ai là một phần của hệ sinh thái kinh doanh của bạn?